„ES IST EINE ALTE GESCHICHTE…” – GESPRÄCH MIT HEINZ BLUMENTHAL, Düsseldorf 30.10.2022 (Teil III)

Eine Kooproduktion im Rahmen des Projektes „ZEITZEUGEN“ der Rosa-Luxemburg-Stifftung. Wir bedanken uns herzlich bei Peeter Raane für die Initiierung der Gesprächsreihe sowie für die große persönliche Unterstützung bei der Realisierung der Gespräche mit Heinz Blumenthal. 

Sprache: Deutsch

Musikalischer Einstieg und Ausklang: Dang Ngoc Long, FAUST-SONATA, Werk nach Goethes „Faust“ (Logiker-Musikverlag Berlin 2022). Wir danken dem Komponisten und Gitarristen Prof. Dang Ngoc Long für seine Erlaubnis, Auszüge aus seinem Album in unserem Podcast zu verwenden.  

„ĐẤY LÀ CÂU CHUYỆN CŨ, XƯA RỒI…” – TRÒ CHUYỆN VỚI HEINZ BLUMENTHAL, Düsseldorf 30.10.2022 (Phần III)

Chương trình hợp tác trong khuôn khổ dự án “NHÂN CHỨNG THỜI ĐẠI” của Quỹ Rosa-Luxemburg (CHLB Đức). Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Peeter Raane vì sáng kiến xây dựng chuỗi đối thoại này và sự hỗ trợ cá nhân to lớn trong việc thực hiện các cuộc trò chuyện với Heinz Blumenthal. 

Ngôn ngữ: Tiếng Đức (sẽ có phần phụ đề tiếng Việt)

Âm nhạc: Đặng Ngọc Long, FAUST-SONATA, Tác phẩm độc tấu Guitar theo vở bi kịch „Faust“ của Goethe  (Nhà xuất bản Logiker-Musikverlag Berlin 2022). Chúng tôi chân thành cảm ơn nhạc sỹ và nghệ sỹ Guitar GS. Đặng Ngọc Long đã cho phép sử dụng một số trích đoạn từ Album của ông tại Podcast này. 

Video-Podcast „Deutsch-vietnamesischer Podcast aus Berlin“ / Video-Podcast “Podcast Việt-Đức từ Berlin”  

# 34, Adventsonntag / Chủ nhật Mùa Vọng, 27.11.2022

„vogelzeitfrei“ hay là „tự do sã cánh như chim trời“ – Giới thiệu và trích đọc vở kịch „atlas“/“địa đồ“ của Thomas Köck

„eher keiner zeit
anzugehören
vogelzeitfrei“

„thà rằng
chẳng thuộc vào thời nào
tự do sã cánh như chim trời“

Giới thiệu vở kịch „địa đồ“ của Thomas Köck và trích đọc từ bản dịch tiếng Việt của tác phẩm tại chương trình ra mắt Zzz Review Số 11 „Về văn học Đức“, Manzi Art Space, Hà Nội, 31.07.2022 (thời lượng video 18 phút, đọc song ngữ và có phụ đề tiếng Đức).

Einführung über das Stück „atlas“ von Thomas Köck und Lesung aus der vietnamesischen Fassung des Werkes im Rahmen der Buchpremiere Zzz Review Nummer 11 „Zur deutschen Literatur“, Manzi Art Space, Hanoi, 31.07.2022 (Dauer des Videos 18 Minuten, zweisprachige Lesung und mit deutschen Untertiteln).

Lời cảm ơn

Xin chân thành cảm tạ Zzz Review và Chủ biên T.S Quyên Nguyễn, Tác giả của vở kịch, Thomas Köck, Nhà xuất bản Suhrkamp Verlag Berlin, Viện Goethe Việt Nam và cá nhân Viện trưởng Wilfried Eckstein, Nhà hát Kịch nói Leipzig và Nhà hát Kịch nói Wuppertal cũng như tất cả người thân, bạn bè và đồng nghiệp đã đồng hành và hỗ trợ dự án này

Danksagung

Mit herzlichem Dank an die Zeitschrift Zzz Review und ihre Chefredakterin Dr. Quyen Nguyen, an Thomas Köck, den Schöpfer des Werkes, an den Suhrkamp Verlag Berlin, das Goethe-Institut Vietnam und seinen Direktor, Wilfried Eckstein, das Schauspiel Leizig und das Schauspiel Wuppertal sowie an alle anderen Mitwirkenden für die Unterstützung und Ermöglichung dieses Projektes.      

Nguồn gốc hình ảnh và âm thanh được sử dụng

Trong phim có sử dụng các tư liệu video của Trương Thùy An, Zzz Review và Manzi Art Space. Hầu hết các bức ảnh ở phần kết thúc là tác phẩm của các nhiếp ảnh gia của hai Nhà hát Kịch nói Leipzig và Wuppertal. Âm nhạc được sử dụng thuộc vở diễn „địa đồ„ của Nhà hát Kịch nói Leipzig, phần thể hiện bài dân ca Việt Nam “Con cò mày đi ăn đêm” thuộc vở diễn „địa đồ„ của Nhà hát Kịch nói Wuppertal.

Bild- und Tonnachweise

Im Film werden Videomaterialien von Trương Thùy An, Zzz Review und Manzi Art Space verwendet. Die Fotos im Abspann sind zum großen Teil Arbeiten der Theaterfotografen des Schauspiel Leipzig und des Schauspiel Wuppertal. Die Musik stammt aus der atlas-Inszenierung vom Schauspiel Leizig, die Rezitation der vietnamessichen Volksweise „Con cò mày đi ăn đêm“ (Der Storch geht nachts auf die Nahrungssuche) stammt aus der atlas-Inszenierung vom Schauspiel Wuppertal.

DRTRUONG – Podcast Việt-Đức từ Berlin
Kỳ 33, Thứ ba 02.08.2022

DRTRUONG – Vietnamesisch-Deutscher Podcast aus Berlin
Folge 33, Dienstag 02.08.2022
www.drtruong.de

Franz Kafka, Der Aufbruch / Khởi hành

Ich befahl mein Pferd aus dem Stall zu holen. Der Diener verstand mich nicht. Ich ging selbst in den Stall, sattelte mein Pferd und bestieg es. In der Ferne hörte ich eine Trompete blasen, ich fragte ihn, was das bedeutete. Er wusste nichts und hatte nichts gehört. Beim Tore hielt er mich auf und fragte: »Wohin reitet der Herr?« »Ich weiß es nicht«, sagte ich, »nur weg von hier, nur weg von hier. Immerfort weg von hier, nur so kann ich mein Ziel erreichen.« »Du kennst also dein Ziel«, fragte er. »Ja«, antwortete ich, »ich sagte es doch: ›Weg-von-hier‹ – das ist mein Ziel.« »Du hast keinen Eßvorrat mit«, sagte er. »Ich brauche keinen«, sagte ich, »die Reise ist so lang, daß ich verhungern muß, wenn ich auf dem Weg nichts bekomme. Kein Eßvorrat kann mich retten. Es ist ja zum Glück eine wahrhaft ungeheure Reise.«

Tôi ra lệnh đưa con ngựa của tôi ra khỏi chuồng. Người hầu không hiểu tôi. Tôi tự mình đi vào chuồng, thắng yên cương và lên ngựa. Từ đằng xa tôi nghe có tiếng kèn trumpet vọng tới, tôi hỏi y điều đó có nghĩa gì. Người hầu nói y chẳng hay biết gì và không hề nghe thấy gì. Khi tới cổng y ngăn tôi lại và hỏi: “Quý ông đang cưỡi ngựa đi đâu vậy?” “Ta không biết,” tôi nói, “miễn là đi khỏi đây, miễn là đi khỏi đây. Cứ đi hẳn khỏi chốn này, chỉ vậy ta mới đạt được mục tiêu của mình.”“Vậy là ông biết mục tiêu của mình?”, y hỏi. “Vâng,” tôi trả lời, “thì ta đã nói rồi, ‘đi-khỏi-đây’ – đó là mục tiêu của ta.” “Ông không mang theo thức ăn dự trữ”, y nói. “Ta chẳng cần”, tôi nói, “cuộc hành trình dài đến nỗi ta sẽ chết đói nếu không kiếm được gì dọc đường. Chẳng có một thứ thức ăn dự trữ nào có thể cứu được ta. May mắn thay, đây là một cuộc hành trình thực sự vĩ đại.”

Bản tiếng Việt: Trương Hồng Quang (06.07.2022)

„Woyzeck“ auf Vietnamesisch (mit deutschen Untertiteln) / Phác thảo kịch „Woyzeck“ của Georg Büchner qua phần diễn đọc của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam

🇻🇳

Chương trình diễn đọc các trích đoạn từ phác thảo kịch „Woyzeck“ của Georg Büchner (1813-1837), bản dịch tiếng Việt của Trương Hồng Quang, trong khuôn khổ „Những ngày văn học châu Âu“ tại Viện Goethe Việt Nam, Hà Nội, 7.5.2022.

Xin trân trọng cảm ơn Viện Goethe Việt Nam, cá nhân Viện trưởng Wilfried Eckstein và các cộng sự, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam về việc tổ chức và thực hiện chương trình. Xin cũng chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Thị Hạnh Quyên, Chủ bút Tạp chí Văn chương Zzz Review, về việc tư vấn chuyên môn cho dự án và việc điều hành phần thảo luận.

Các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam tham gia chương trình diễn đọc: Đàm Hằng, Lê Bá Anh (Bá Anh) và Hữu Phương.

Quay phim và chụp ảnh: Trương Trần Phúc (Video có sử dụng một trích đoạn từ tư liệu Zoom-Video của Viện Goethe)    

Âm nhạc ở phần mở đầu và kết thúc video: Đặng Ngọc Long, Faust-Sonata, trích đoạn từ chương 1 „Faust“ (Logiker-Musikverlag Berlin 2022). Chúng tôi chân thành cảm ơn nhạc sỹ và nghệ sỹ Guitarre GS. Đặng Ngọc Longđã cho phép sử dụng các trích đoạn này từ tác phẩm của ông. 

🇩🇪

Szenische Lesung aus dem Dramenfragment „Woyzeck“ von Georg Büchner (1813-1837), vietnamesische Übersetzung und Bühnenfassung von Truong Hong Quang, im Rahmen der „European Literature Days 2022“ am Goethe-Institut Vietnam, Hanoi, den 7.5.2022.

Wir bedanken uns herzlich beim Goethe-Institut Vietnam, dem Institutsdirektor Wilfried Eckstein persönlich und seinem Team, sowie dem Youth Theatre of Vietnam für die Ermöglichung und Durchführung der Veranstaltung. Unser herzlicher Dank gilt auch Dr. Quyen Nguyen, der Cheredakteurin der Literaturzeitung Zzz Review für die fachliche Beratung des Projektes und die Moderation der Diskussion.

Beteiligte SchauspielerInnen des Youth Theatre of Vietnam: Đàm Hằng, Lê Bá Anh (Bá Anh) und Hữu Phương.

Kamera und Fotos: Phuc Truong (im Video ist auch ein Ausschnitt aus der Zoom-Aufnahme des Goethe Institutes Vietnam enthalten).

Musikalischer Einstieg und Ausklang: Dang Ngoc Long, Faust-Sonata, aus dem 1. Satz „Faust“ (Logiker-Musikverlag Berlin 2022). Wir danken dem Komponisten und Gitarristen Prof. Dang Ngoc Long für seine Erlaubnis, Auszüge aus seinem Album in unserem Video zu verwenden.

Georg Büchner, WOYZECK – Kịch bản chương trình diễn đọc tại Viện Goethe Hà Nội, 07.05.2022 (bản dịch tiếng Việt của Trương Hồng Quang)

Các nghệ sĩ Bá Anh, Đàm Hằng và Hữu Phương, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, tại chương trình diễn đọc vở WOYZECK ở Viện Goethe Hà Nội, 07.05.22, ảnh của Trương Trần Phúc

Video toàn bộ chương trình do Viện Goethe Hà Nội thực hiện xin xem ở đường link sau đây (thời lượng 1h30 phút, với các phần diễn đọc tác phẩm, thuyết trình và thảo luận):

https://fb.watch/d0yiROmKqJ/

Ghi chú của người dịch và tác giả kịch bản chương trình diễn đọc: Tổng thời lượng phần trích đọc tác phẩm khoảng 30 – 40 phút. Dự kiến có 3 diễn viên, 1 nữ 2 nam: Diễn viên nữ đọc các lời thoại của MARIE, NGƯỜI BÀ, cùng một diễn viên nam đọc xen kẽ phần giới thiệu nhân vật [1], sau đó đọc tiêu đề, các nội dung mô tả ở các phân đoạn [2], [5], [6], [8] và [13]. Một diễn viên nam đọc các lời thoại của WOYZECK. Diễn viên nam thứ hai cùng diễn viên nữ đọc xen kẽ phần giới thiệu nhân vật [1], sau đó đọc tiêu đề, các nội dung mô tả ở các phân đoạn [3], [4], [7], [9], [10], [11] và [12]. Số thứ tự của các màn đánh theo số thứ tự của nguyên tác, cần đọc rõ để người nghe hình dung trình tự của vở kịch và các chỗ bị ngắt quãng (ví dụ từ màn 1 chuyển sang màn 4, bỏ các màn 2 và 3 v.v.)


[1] NHÂN VẬT

FRANZ WOYZECK
MARIE, tình nhân của Woyzeck
ĐỘI TRƯỞNG QUÂN NHẠC
ĐẠI ÚY
ĐỐC TỜ
GIÁO SƯ
NGƯỜI XƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH trước rạp diễn
NGƯỜI TRÌNH DIỄN trong rạp
ANDRES, đồng đội của Woyzeck
NGƯỜI BÀ
KARL, thằng ngốc
MARGRETH, láng giềng của Marie
KÄTHE, một cô gái ở quán nhảy
NGƯỜI DO THÁI, chủ một cửa hàng tạp hóa
CHỦ QUÁN RƯỢU
HẠ SĨ QUAN
NHÂN VIÊN TÒA ÁN
THỢ THỦ CÔNG THỨ NHẤT, THỢ THỦ CÔNG THỨ HAI
NGƯỜI THỨ NHẤT, NGƯỜI THỨ HAI
ĐỨA BÉ THỨ NHẤT, ĐỨA BÉ THỨ HAI, ĐỨA BÉ THỨ BA
ÔNG LÃO, người hát rong
CHRISTIAN, con trai của Marie và Franz, khoảng một tuổi
BÁC SỸ chuyên gia pháp y
THẨM PHÁN

Lính, sinh viên, người dân. Một con khỉ, một con ngựa trong rạp diễn.

[2] Màn 1: CÁNH ĐỒNG HOANG.
THÀNH PHỐ Ở PHÍA XA

Woyzeck và Andres đẽo gậy trong bụi rậm.

WOYZECK
Này Andres, cậu có thấy vệt sáng trên đám cỏ đằng kia không? Cứ chiều tối là lại có cái đầu lâu lăn lông lốc ở đó, một lần có kẻ nhấc nó lên và tưởng đó là một con nhím. Sau ba ngày ba đêm thì hắn đã nằm thẳng cẳng trong quan tài (hạ giọng) Andres, đó là hội viên của Hội tam điểm, tớ biết chắc, đó là hội viên của Hội tam điểm, im nào!

ANDRES (hát)
„Ngồi đằng kia có hai chú thỏ
Hai chú thỏ gặm đám cỏ xanh non …“

WOYZECK
Xuỵt! Có cái gì đó đang di chuyển!

ANDRES
„Hai chú thỏ gặm đám cỏ xanh non
Gặm trụi trơ đến tận gốc cỏ.“

WOYZECK
Có tiếng chân đi đằng sau tớ (giẫm xuống nền đất) ở phía dưới rõ ràng là rỗng, cậu có nghe thấy gì không? Tất cả đều rỗng không ở dưới kia. Đích thị đó là hội viên Hội Tam điểm!

ANDRES
Tớ thấy ghê ghê rồi đấy.

WOYZECK
Im lặng một cách quái đản. Tới mức ngạt thở. Andres!

ANDRES
Gì cơ?

WOYZECK
Cậu nói cái gì đi chứ! (Nhìn chằm chằm vào cảnh vật xung quanh) Andres! Khắp nơi mọi thứ đều rực sáng! Lửa đang cháy ngút trời, có tiếng kèn đồng dội xuống ầm ầm. Lửa đang bốc lên ngùn ngụt! Chạy đi! Đừng có mà nhìn lại phía sau lưng! (Kéo Andres vào bụi rậm)

ANDRES (sau một lúc)
Woyzeck! Cậu còn nghe gì nữa không?

WOYZECK Tất cả đều im bặt, lặng như tờ, như cả thế giới này đều đã chết.

ANDRES
Cậu có nghe gì không? Trong doanh trại đã nổi trống hiệu rồi đó. Ta phải quay về ngay.

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[3] Màn 4: TRONG PHÒNG

Marie ngồi, bế con trong lòng, trên tay cầm một mảnh gương.

MARIE (soi gương)
Ôi, những viên đá mới lấp lánh làm sao! Thế nhưng ta lại không biết chúng là loại đá quý nào? Chàng ấy nói với mình điều gì nhỉ? – Con trai ơi, ngủ đi nào! Nhắm mắt vào, nhắm thật chặt vào (đứa bé dùng tay che mắt) nhắm chặt hơn nữa, cứ nhắm nghiền như vậy, con phải nín thinh, nếu không thì ông Ộp sẽ đến bắt mày đó.

(Hát) „Cô gái ơi, hãy đóng cửa sổ lại,
Nếu không sẽ có chàng trai Di Gan lẻn vào phòng cô đêm nay,
Chàng ấy sẽ cầm tay cô
Và rước cô về xứ Di Gan.“

(Lại soi gương) Hẳn là vàng thật! Lũ chúng ta chỉ có một góc tồi tàn trên thế giới và một mảnh gương nhỏ, nhưng mà tôi có một đôi môi đỏ, đỏ mọng hơn cả tất cả các quý bà có những tấm gương lớn soi từ đầu xuống chân, các quý bà có các quý ông sang trọng hôn lên tay họ; ôi, tôi chỉ là một cô gái nghèo hèn. – (Đứa bé nhổm dậy.) Im nào con trai, nhắm mắt lại đi, ông Ộp đang đến kia kìa! Ông ấy đi xung quanh tường (cô dùng gương chớp chớp), nhắm mắt lại đi, ông Ộp mà nhìn thấy con là mù mắt đấy.

Woyzeck bước vào, tiến đến phía sau Marie.
Cô giật mình, đưa tay lên che tai.

WOYZECK
Cô có cái gì vậy?

MARIE
Chẳng có cái gì hết.

WOYZECK
Rõ ràng là có cái gì đó đang lấp lánh trong ngón tay của cô.

MARIE
Một chiếc khuyên tai, em nhặt được nó.

WOYZECK
Tôi thì chẳng bao giờ nhặt được một cái gì hết. Mà lại cả hai cùng một lúc.

MARIE
Ý anh bảo tôi là một con điếm hay sao?

WOYZECK
Thôi được rồi, Marie. – Xem con trai đang ngủ kìa. Em hãy bế con lên đi, cái thành ghế đang đè lên người nó. Mồ hôi đang vã ra trên trán nó. Lũ chúng ta thì chẳng có gì khác, ngoài công việc lao lực dưới ánh nắng, cả đến con trẻ lúc ngủ cũng đổ mồ hôi. Ôi phận nghèo của đôi ta! Marie, anh lại có chút tiền đây, lương của anh, và kèm theo chút tiền công của ông đại úy.

MARIE
Chúa phù hộ cho anh, Franz.

WOYZECK
Anh phải đi đây. Hẹn đến đêm nay nhé, Marie. Chào em.

MARIE (một mình, sau một lúc im lặng)
Ta thật là một kẻ đê hèn. Thà ta tự đâm chết mình cho xong. – Trời ơi! Thế gian là vậy sao? Quỷ tha ma bắt hết tất cả đi, cả đàn ông lẫn đàn bà.

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[4] Màn 6: TRONG PHÒNG

Marie. Đội trưởng quân nhạc

ĐỘI TRƯỞNG QUÂN NHẠC
Marie!

MARIE (nhìn anh ta đắm đuối)
Chàng hãy bước tới cho em ngắm nào. Ôi, lồng ngực của chàng như một con bò mộng, chòm râu của chàng như chúa sơn lâm! Chẳng thể ai sánh được cùng chàng. – Tôi là người đàn bà hãnh diện nhất thế gian!

ĐỘI TRƯỞNG QUÂN NHẠC
Đấy là nàng còn chưa mục sở thị ta vào ngày chủ nhật, với chùm lông vũ trên mũ sắt và đôi găng tay trắng muốt! Ái chà chà, Marie, nàng có biết không, ngay cả Chúa công cũng phải tấm tắc: Thế mới đường đường là một đấng nam nhi chứ!

MARIE (giễu cợt)
Thật ư? (Đến trước mặt anh ta) Ôi, gã trai của em!

ĐỘI TRƯỞNG QUÂN NHẠC
Mà nàng thì cũng rõ là một cô ả nái nẩm. Chúa ơi, ta cùng đúc một dàn đội trưởng quân nhạc nhé? Có chịu không! (Anh ta ôm cô)

MARIE (vùng vằng)
Đừng có mà chạm vào tôi!

ĐỘI TRƯỞNG QUÂN NHẠC

Đồ thú hoang!

MARIE (hổn hển)
Buông tôi ra!

ĐỘI TRƯỞNG QUÂN NHẠC
Tôi thấy có con ác quỷ trong ánh mắt của cô!

MARIE
Thì đã sao. Đã vậy thì cho xong luôn một thể.

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[5] Màn 10: TRẠM GÁC

Woyzeck. Andres

ANDRES (hát)

„Bà chủ nhà có cô hầu gái,
Cô ả ngồi tha thẩn cả ngày lẫn đêm ngoài vườn,
Tha thẩn cả ngày lẫn đêm ngoài vườn …“

WOYZECK
Andres!

ANDRES
Sao rồi?

WOYZECK
Thời tiết thật đẹp.

ANDRES
Một ngày chủ nhật có ánh nắng chan hòa, phía ngoài thành phố tiếng đàn ca đang nổi lên rộn rã. Các cô gái đã kéo ra ngoài đó, họ đang nhảy nhót, mồ hôi tuôn nhễ nhại.

WOYZECK (bất an)
Andres, cô ta đang khiêu vũ.

ANDRES
Đúng rồi, ở Rössel, tại quán Ngôi sao.

WOYZECK
Cô ta đang nhảy, nhảy.

ANDRES
Thì đã sao.
(hát)
„Cô ả ngồi tha thẩn ngoài vườn
Cho tới khi chuông nhà thờ điểm mười hai giờ
Ả ngóng chờ những gã lính điển trai.“

WOYZECK
Andres, tớ thấy không yên trong lòng.

ANDRES
Đồ khùng!

WOYZECK
Tớ phải đi ra ngoài đây. Đầu óc tớ đang quay cuồng. Nhảy, nhảy! Trời ơi, đôi bàn tay cô ta mới nóng bỏng làm sao. Andres, thật chết tiệt!

ANDRES
Cậu muốn gì nào?

WOYZECK
Tớ phải đi đây.

ANDRES
Vì cái con ngựa cái đó?

WOYZECK
Tớ phải ra ngoài, ở đây bức bối quá.

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[6] Màn 15: CỬA HIỆU TẠP HÓA

Woyzeck. Người Do thái

WOYZECK
Khẩu súng lục giá quá mắc.

NGƯỜI DO THÁI
Nào, nhà anh có mua hay không thì bảo?

WOYZECK
Con dao này giá bao nhiêu?

NGƯỜI DO THÁI
Nó khá sắc đấy. Anh định tự cắt cổ à? Nào, quyết chưa? Tôi sẽ giảm giá đặc biệt cho, anh sẽ có được cái chết với giá thật hời, nhưng mà chẳng phải cho không đâu nhé. Thế nào rồi? Nhà anh sẽ có một cái chết khuyến mại.

WOYZECK
Con dao này không phải chỉ để cắt bánh mì.

NGƯỜI DO THÁI
Hai đồng.

WOYZECK
Tiền đây! (Đi ra ngoài)

NGƯỜI DO THÁI
Tiền đây! Cứ như thể tiền là rác vậy. Tiền là tiền. Đồ chó má.

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[7] Màn 16: TRONG PHÒNG

Marie. Đứa con. Thằng ngốc.

MARIE (lần dở trong Kinh thánh)
“Và trong miệng Người chẳng tìm được một lời dối trá.” – (nói với đứa con) Yên nào, yên nào, con đừng có mà nhìn mẹ như vậy! (lật tiếp trong Kinh thánh) „Người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Ngài một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình và đặt chị ta đứng ở giữa. – Nhưng Đức Giêsu nói: Tôi cũng không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Đan tay vào nhau) Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa nhân từ! Tôi đã kiệt sức. Lạy Chúa toàn năng, xin hãy cho con chút sức mạnh để cầu nguyện.
(Đứa con nép vào cô)
Ôi, đứa bé khiến cho trái tim tôi bị tan nát (Nói với Karl đang nằm phía dưới chân cô) Karl! Hãy mang thằng bé ra ngoài cho nó sưởi nắng.

KARL (đang nằm và điểm các tích chuyện cổ tích trên đầu ngón tay)
Nhà vua, Đức vua có một vương miện bằng vàng. Mai ta sẽ mang đứa con về cho Hoàng hậu. Dồi tiết nói với dồi ba tê: Nào hãy đến đây! (đón đứa trẻ và ngừng nói.)

MARIE
Franz chẳng về nhà, hôm qua không về, hôm nay cũng không, ở đây sao bức bối thế này. Cô mở cửa sổ. „Và chị ta bước vào, quỳ dưới chân Đức Giêsu khóc than, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn lên chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.” Đập tay lên ngực. Hết thảy đều đã chết! Ôi Giê Xu, Đấng cứu rỗi, giá như con được phép xức dầu thơm lên chân Người!

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[8] Màn 17: TRẠI LÍNH

Andres. Woyzeck lục lọi trong đồ đạc của mình.

WOYZECK
Cái áo trấn thủ này không phải là đồ quân phục được cấp phát, cậu có thể lấy nó để dùng, Andres. Cây thánh giá này là dành cho em gái của tớ, cả chiếc nhẫn. Tớ còn có bức tranh thánh, với hai hình trái tim, mạ vàng hẳn hoi, xếp trong cuốn Kinh thánh của mẹ tớ, ở trong đó có ghi:

„Khổ đau là hết thảy những gì ta có,
Ta thờ Đức Chúa trời bằng khổ đau,
Lạy Chúa, khi thân thể của Người đẫm máu và đầy thương tích, Xin hãy để cho trái tim con đau đớn cùng Người.“
Mẹ của tớ chỉ còn biết cảm giác khi có ánh nắng chiếu trên tay bà. Mà cũng chẳng hề chi.

ANDRES (bất động, luôn chỉ đáp)
Được rồi.

WOYZECK (lôi một tờ giấy ra)
Friedrich Johann Franz Woyzeck, lính bộ binh, đại đội 2, tiểu đoàn 2, trung đoàn 4, sinh vào Lễ Truyền tin mừng, hôm nay ngày 20 tháng Bảy tôi tròn 30 tuổi, 7 tháng, 12 ngày.

ANDRES
Franz, cậu phải nhập viện. Thật tội nghiệp cho cậu, cậu phải uống rượu nặng hòa với thuốc bột, may ra như vậy mới hạ cơn sốt được.

WOYZECK
Vâng, Andres, người thợ mộc khi đóng quan thì nào có biết sẽ kê đầu ai vào đấy.

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[9] Màn 19 (Trích đoạn): MARIE VÀ CÁC CÔ GÁI TRƯỚC CỬA NHÀ

NGƯỜI BÀ
Ngày xửa ngày xưa có một đứa trẻ nghèo, không cha không mẹ. Mọi người thân đều đã chết, nó chẳng còn một ai trên cõi đời. Tất cả đều đã chết, nó bỏ nhà ra đi và than khóc suốt ngày đêm. Bởi chẳng còn ai trên đời nên nó muốn đi lên trời. Vầng trăng nhìn nó thật ân cần, nhưng khi nó đi mãi, đi mãi mới tới nơi thì vầng trăng là một khúc gỗ mục nát. Rồi nó đi về hướng mặt trời, nhưng khi nó tới nơi thì mặt trời là một bông hoa hướng dương héo tàn. Rồi nó đi về hướng các vì sao, nhưng khi nó tới nơi thì các vì sao là những con muỗi nhỏ bằng vàng bị chim bách thanh xiên vào cành mận gai. Và khi nó muốn quay trở về trái đất thì trái đất là một cái bô úp ngược. Chỉ còn lại một thân một mình, nó ngồi thụp xuống khóc nức nở, cho đến tận bây giờ nó vẫn còn ngồi đó, một thân một mình.

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[10] Màn 20: BUỔI TỐI. THÀNH PHỐ Ở PHÍA XA

Marie và Woyzeck

WOYZECK
Marie!

MARIE (hoảng hốt)
Có chuyện gì vậy?

WOYZECK
Marie, ta đi thôi, đến giờ rồi.

MARIE
Đi đâu?

WOYZECK
Làm sao tôi biết?

MARIE
Đi ra phía ngoài thành phố ư, trời đang tối đen như mực.

WOYZECK
Dừng lại đã. Cô ngồi xuống đây.

MARIE
Nhưng mà em phải về nhà.

WOYZECK
Cô sẽ chẳng phải đi xa đến mức rát cả chân đâu.

MARIE
Sao anh trông lạ vậy?

WOYZECK
Marie, cô còn nhớ chúng ta đã gặp nhau bao lâu rồi không?

MARIE
Đến Lễ Hiện xuống sắp tới thì đã tròn hai năm.

WOYZECK
Vậy cô có biết sẽ còn bao lâu nữa không?

MARIE
Em phải về nhà, sương đêm đã rơi xuống rồi.

WOYZECK
Marie, có phải cô đang bị rét? Nhưng mà thân thể cô đang ấm áp. Cô có đôi môi nồng nàn làm sao! Cô có hơi thở nóng bỏng của một con điếm, và tôi muốn cầu xin Thượng đế để được hôn lên đôi môi này một lần cuối. Và khi người đã giá lạnh thì cô cũng sẽ không biết rét nữa. Sương mai sẽ không khiến cô bị lạnh.

MARIE
Anh nói gì cơ?

WOYZECK
Không gì hết. (Câm lặng)

MARIE
Ôi trăng đang mọc, nó đỏ ngầu.

WOYZECK
Như một cục sắt nung đỏ.

MARIE
Anh định làm gì vậy? Franz, mặt anh sao tái nhợt thế kia. Franz, dừng lại! Lạy Chúa tôi, xin hãy cứu con! Cứu tôi với!

WOYZECK
Hãy nhận lấy cái này, cái này nữa! Ô, cô không chết được à? Này! Nữa này! A, cô ta vẫn còn co giật? Vẫn chưa chết được? Vẫn còn sống? (Đâm tiếp.) Cô đã chết hẳn chưa? Chết rồi! Chết thật rồi! (Có người đến, Woyzeck bỏ chạy.)

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[11] Màn 23: BUỔI TỐI. THÀNH PHỐ Ở PHÍA XA

Woyzeck một mình

WOYZECK
Con dao? Con dao đâu rồi? Ta đã vứt nó lại ở đây mà. Nó sẽ làm ta bị lộ. Phải đến gần nữa, gần nữa. Chỗ đấy là chỗ nào? Ta đang nghe thấy cái gì thế này? Xuỵt, có cái gì đó đang động đậy. Ngay gần đây. Marie? Ôi Marie! Sao câm lặng thế này. Hết thảy đều câm lặng! Marie, sao em lại tái nhợt thế kia? Sao lại có một sợi dây đỏ quấn quanh cổ em? Em kiếm ở đâu ra chiếc kiềng đeo cổ này, với tất cả những tội lỗi mà em đã có? Thân thể của em đen ngòm, đen ngòm bởi tội lỗi! Và ta đã tẩy trắng tội lỗi cho em! Sao mái tóc huyền của em lại xõa xượi thế kia? Hôm nay em quên không thắt bím tóc hay sao? Mà có vật gì đó đang nằm ở đây! Lạnh ngắt, ẩm ướt, và câm lặng. Đi ngay khỏi chỗ này thôi. Con dao, con dao, ta đã tìm thấy nó chưa? Nó đây rồi. Có người đang đi đến. – Ở đằng kia. (Anh ta bỏ chạy)

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[12] Màn 26: NHÂN VIÊN TÒA ÁN. BÁC SỸ. THẨM PHÁN

NHÂN VIÊN TÒA ÁN
Một vụ giết hay, giết thật, giết đẹp! Đẹp hơn cả mong đợi, lâu lắm rồi mới có một án mạng ngoạn mục như vậy.

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

[13] Màn 27: THẰNG NGỐC. ĐỨA BÉ. WOYZECK

KARL (bế con trai của Woyzeck và Marie trên lòng)
Có người bị đuối nước, có người bị đuối nước, có người bị đuối nước.

WOYZECK
Christian, ôi con trai của bố!

KARL (nhìn Woyzeck trân trân)
Có người bị đuối nước.

WOYZECK (muốn âu yếm đứa con, nó giãy ra và thét lên)
Lạy Chúa tôi!

KARL
Có người bị đuối nước.

WOYZECK
Christian, bố sẽ mua cho con một cái bánh nướng nhé. (Đứa con kháng cự. Nói với Karl) Mua cho thằng bé một cái bánh nướng nhé.

KARL (nhìn Woyzeck trân trân)

WOYZECK
Nhong nhong! Nhong nhong! Ngựa ông đã về.

KARL (hân hoan)
Nhong nhong! Nhong nhong! Ngựa ông đã về! (chạy biến đi cùng đứa trẻ.)

Trích đoạn dàn dựng tham khảo:

Gregor Gysi – LỜI KÊU GỌI NHÂN DÂN NGA (kèm theo video có phần dịch song song tiếng Việt)

Thông điệp nói trực tiếp bằng tiếng Nga của Gregor Gysi, Nghị sỹ Liên bang và người phát ngôn chính sách đối ngoại của Đảng Cánh tả tại Nghị viện Liên bang Đức, được phát ngày 21.03.2022 trên mạng xã hội. Gysi (sinh năm 1948) là một luật sư, nguyên Chủ tịch cuối cùng của SED (Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức, tức đảng cầm quyền của CHDC Đức cũ), nguyên Chủ tịch Khối nghị sỹ Đảng Cánh tả tại Nghị viện Liên bang Đức, nguyên Chủ tịch Đảng Cánh tả châu Âu. Bản dịch tiếng Việt được thực hiện căn cứ trên phần phụ đề tiếng Đức của video ghi bài phát biểu. Đầu đề do người dịch đặt.     

Kính thưa các công dân Nga, kính thưa các công dân thuộc các cộng đồng người Nga tại Đức!

Ngày hôm nay tôi muốn chuyển tới các bạn lời kêu gọi khẩn cấp: Xin các bạn hãy làm mọi thứ trong phạm vi khả năng của mình để chấm dứt cuộc chiến tranh mà nước Nga đang nhân danh các bạn tiến hành tại Ukraina.

Đối với tôi không phải là dễ dàng để nói những lời này, bởi vì khi còn là một đứa trẻ ở CHDC Đức, tôi luôn tin tưởng rằng Liên bang Xô Viết là một cường quốc hòa bình, bởi vì Liên Xô là một phần của những lực lượng đã góp phần chấm dứt kỷ nguyên sát nhân khủng khiếp nhất của thế kỷ trước, kết thúc ách thống trị của chủ nghĩa phát xít Đức và Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Trong ba mươi năm qua, tôi đã phấn đấu hết sức mình cho một hệ thống an ninh của châu Âu bao gồm nước Nga, và cho một thái độ đối xử tôn trọng đối với nước Nga.

Giờ đây tôi phải khẳng định rằng chính phủ Nga hiện tại đã chối bỏ trách nhiệm đối với những nguyên tắc đó. Điều này khiến tôi vô cùng bàng hoàng, và hiện tôi vẫn đang choáng váng trước việc cường quốc hòa bình thời thơ ấu của mình đang gây ra những nỗi kinh hoàng cho đất nước Ukraina. Quân đội Nga đã xâm lược Ukraina, ném bom các thành phố và giết người dân ở đó, đưa các dân tộc Nga và Ukraina vào một tình trạng thù địch mà có lẽ sẽ phải mất nhiều thập kỷ mới có thể khắc phục được. 

Các bạn có muốn sống cùng với gánh nặng lương tâm này không? Các bạn có muốn chuyển gánh nặng lương tâm này cho các đời con cháu của mình?

Tất nhiên người ta có thể chỉ trích chính sách của chính phủ Ukraine, tất nhiên các nước NATO đã mắc sai lầm. Nhưng liệu chúng ta có muốn quay trở lại thời kỳ quan hệ giữa các quốc gia và các dân tộc mà trong đó sai lầm của một bên là lý do để biện minh cho các cuộc chiến tranh?

Do vậy ngày hôm nay tôi kêu gọi các bạn: Hãy chỉ ra cho chính phủ của bạn thấy rằng cuộc chiến tranh này không được phép tiến hành nhân danh người dân Nga và do vậy phải được kết thúc ngay lập tức! Cả các bạn cũng có trách nhiệm lớn lao trong việc ngăn chặn cuộc chiến tranh này tiếp diễn và trở thành một đám cháy lan rộng trên toàn châu Âu. 

Người dân trên toàn thế giới đang hướng đến các bạn, họ không có mong muốn thiết tha nào hơn là hòa bình. Chúng ta phải thắp lên niềm hy vọng rằng một cuộc sống chung trong hòa bình cùng với nước Nga sẽ có thể quay trở lại.

Tôi biết việc xuống đường và phản đối chiến tranh ở Mátxcơva khó hơn nhiều so với làm việc đó ở Berlin. Đó là lý do tại sao tôi càng kính trọng tất cả những ai làm được điều này.

Nhưng tôi không biết còn có một con đường nào khác ngoài việc người dân nói với chính phủ của mình rằng họ không đồng ý với chiến tranh. Và không chính quyền nào có thể bỏ tù hàng triệu con người.

Tôi kêu gọi các bạn: Các bạn hãy tẩy chay cuộc chiến tranh này.

Xin chuyển đến các bạn những lời chào nồng nhiệt nhất như có thể.

Gregor Gysi

© Bản dịch tiếng Việt của Trương Hồng Quang (21.03.2022) 

“Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay” – Hồi ức về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (1936-2022)

Nguyễn Tài Tuệ đối với tôi – có lẽ như đối với phần lớn thính giả âm nhạc thuộc cùng thế hệ, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc – trước hết là tác giả của hai ca khúc „Xa khơi“ và „Tiếng hát giữa rừng Pác Bó“. Ấn tượng về bài „Xa khơi“ đương nhiên gắn liền với giọng hát của Tân Nhân (tôi không nghe, hay chưa có dịp nghe bất cứ ca sĩ nào khác hát bài này). Còn „Tiếng hát giữa rừng Pác Bó“, với riêng tôi, lại liên quan nhiều hơn đến một kỷ niệm cá nhân, trong một dịp cùng gia đình bên ngoại về thăm quê ở Hải Hậu, Nam Định, cách đây cũng đã hơn mười lăm năm.

Lần đó, sau khi cơm nước xong, cả nhà kéo sang một quán Karaoke bên cạnh khách sạn, chủ yếu là để nghe T. hát. T. là con gái em trai của vợ tôi, cháu lúc đó đang là sinh viên thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. „Tiếng hát giữa rừng Pác Bó“ nổi tiếng không kém „Xa khơi“, có lẽ còn được phát nhiều hơn trên đài phát thanh, truyền hình và chắc chắn tôi đã nghe không chỉ một lần trước đó. Nhưng được nghe live, thưởng thức sự thể hiện trực tiếp của nghệ sĩ vẫn là một trải nghiệm đặc biệt, nhất là T. lại có một giọng hát rất đẹp và chuyên nghiệp, được đào luyện bởi một nữ ca sĩ hàng đầu, đã thành danh với chính ca khúc này.

Khác với „Xa khơi“, một bản tình ca đôi lứa trên nền lịch sử chia cắt bi thảm của đất nước, „Tiếng hát giữa rừng Pác Bó“ thực ra thuộc dòng tác phẩm tuyên truyền, hay „Lãnh tụ ca“, và theo lẽ thường sẽ bị thời gian đào thải rất nhanh chóng. Cũng chính vì vậy mà tôi đã khá ngạc nhiên khi chứng kiến một cô gái còn rất trẻ, thuộc thế hệ „A-còng“, đã hát ca khúc này với tất cả cảm xúc nồng cháy, chân thành, gợi nên cả một trời liên tưởng trong lòng người nghe về một không-thời gian đặc biệt, chứa chất biết bao những tình cảm trong sáng, tin cậy, hào hùng, lãng mạn…

Tôi không còn cơ hội để bày tỏ những ấn tượng như thế này với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nữa. Và trong một chuyến bay từ Berlin về Hà Nội vào cuối xuân, đầu hè năm 1985, khi ngẫu nhiên của số phận đã xếp cho tôi ngồi ngay cạnh ghế của ông, được trò chuyện với ông trong suốt cả chuyến bay dài, tôi cũng đã không chia sẻ chúng với ông. Và rất có thể là vào thời điểm đó tôi cũng chưa hề có những cảm xúc, những cảm nhận như vậy về tác phẩm của nhạc sĩ.

Đó là chuyến bay về nước sau khi tốt nghiệp của tôi, sau gần tám năm đèn sách ở Leipzig. Trong những câu chuyện với ông, tất nhiên không diễn ra liên tục, mà bị ngắt quãng nhiều lúc, tôi nhớ chủ yếu mình đã hỏi ông về vùng quê chung ở Nghệ Tĩnh, về những người tài trong dòng họ của ông ở Thanh Chương (có thể tôi đã kể với ông những hồi ức về GS Nguyễn Tài Cẩn), về vùng quê Bạch Ngọc nơi tôi sống thời thơ ấu với ông bà nội và là một tụ điểm của trí thức, văn nghệ sỹ khu bốn thời kỳ kháng chiến chống Pháp trước đó. Tôi nhớ ông cũng đã hỏi tôi về đề tài luận án tốt nghiệp của tôi, về „Faust“ của Goethe, về „Truyện Kiều“ của Nguyễn Du. Và ông cũng đã kể cho tôi nghe về thời kỳ du học của ông ở Triều Tiên, và chắc cũng vì liên quan đến mạch thể loại trường ca của „Truyện Kiều“, tiểu thuyết tài từ – giai nhân thời Minh-Thanh v.v. mà ông đã nói cho tôi nghe về những truyền thống tự sự trong văn học Triều Tiên cổ điển, về cái gốc văn hiến của nó…

Gần bốn thập kỷ đã trôi qua từ lần gặp gỡ vô tình này, phần lớn các chi tiết trong đó đã trở nên hoàn toàn nhạt nhòa trong ký ức. Và mặc dù sau đó có gần hai năm sống ở Hà Nội, trước khi trở lại Đức, tôi đã không có cơ hội và cơ duyên được gặp lại ông. Nhưng mỗi lần được nghe một trong hai ca khúc đã trở thành bất tử của ông (thật tiếc tôi không biết đến một tác phẩm khác của Nguyễn Tài Tuệ) tôi lại nhớ đến kỷ niệm này. Đặc biệt, như đã nói, trong cái lần đã cách đây hơn mười lăm năm, ở bên bãi biển Hải Thịnh, khi được nghe cô cháu gái hát „Tiếng hát giữa rừng Pác Bó“ của ông.

Nếu được lùi lại thời gian gần bốn thập kỷ về trước, nếu lại được ngồi bên ông trong một chuyến bay xuyên lục địa, xuyên thời gian, có thể tôi sẽ đặt cho ông cái câu hỏi mà ngày trước tôi chưa hỏi ông, chưa thể có để hỏi ông: Liệu có thể có một thứ chân lý, một thứ sự thật riêng của âm nhạc, vượt lên những sở chỉ cụ thể của ca từ, của ngôn ngữ, vẫn tiếp tục khiến cho ta mãi vương vấn, hoài cảm, gợi nên những niềm hy vọng, ngay cả khi cái thời đại mà nó phản ánh, tin tưởng và phụng sự đã lùi hẳn vào quá khứ?

Nương đồi bát ngát
Gió ngàn vờn mây nắng chiều về đây
Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay…“

Berlin-Biesdorf, ngày 11.02.2022

CẢM NHẬN VỀ TÁC PHẨM „FAUST-SONATA“ CỦA NHẠC SỸ ĐẶNG NGỌC LONG 

Sáng hôm nay, trên đường đi làm – ở trên xe ô tô – lần đầu tiên tôi đã được nghe toàn bộ tác phẩm Faust-Sonata của GS Đặng Ngọc Long mà anh vừa mới hoàn thành trong những ngày này. Là người có may mắn được tác giả chia sẻ những ý tưởng của mình từ lúc khởi đầu quá trình sáng tạo, tức cách đây đã từ ba năm về trước, tôi rất vui mừng và xúc động về sự kiện âm nhạc này, đúng trước thềm Tết nguyên đán Nhâm dần 2022.  

Chúng ta đều biết vở bi kịch Faust của thi hào Goethe là tập đại thành của nền văn học Đức, một tượng đài văn chương độc nhất vô nhị, có vị trí tương tự như Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du trong nền văn học dân tộc của Việt Nam.[1]Tác phẩm này cũng là một nguồn cảm hứng vô tận cho những tên tuổi âm nhạc lẫy lừng nhất ở Đức và châu Âu, từ những ca khúc chuyển thể ngắn như Gretchen am Spinnrade („Gretchen bên khung cửi“) của Franz Schubert[2], đến vở opera “Faust” gồm 5 hồi của nhạc sỹ Pháp Charles Gounold[3], giao hưởng Faust gồm 3 chương của Franz Liszt[4], và đặc biệt nhất, bản giao hưởng số 8 – bản giao hưởng được mệnh danh là “Giao hưởng của 1000 người” của Gustav Mahler[5] – với chương cuối là phần phổ thơ từ phần cuối tập II của vở bi kịch Faust. Tuy nhiên cho đến nay, theo tôi được biết, chưa có một tác phẩm độc tấu nào về chủ đề Faust, và chắc chắn là chưa có một tác phẩm độc tấu nào viết cho đàn Guitar cổ điển dựa trên tác phẩm này.

Faust-Sonata như vậy cũng sẽ là một cột mốc trong dòng lịch sử âm nhạc ở Đức và châu Âu về đề tài Faust. Trong quá trình sáng tạo, tôi được biết Đặng Ngọc Long cũng đã nghe và tham khảo các thành tựu của các nhà soạn nhạc trước anh. Bản thân tôi cũng từng có dịp được trò chuyện với anh, đặc biệt về hai bản giao hưởng Faust đã nhắc tới của Liszt và Mahler. Việc đánh giá Faust-Sonata của Đặng Ngọc Long thuộc thẩm quyền của các chuyên gia âm nhạc. Với bản thân tôi, một người nghe ngoại đạo, tôi đã có những cảm nhận bước đầu rất bất ngờ và thú vị về cách xử lý của tác giả. 

Chương 1Faust, khác với chất sôi nổi, nổi loạn chẳng hạn trong chương 1 cùng tên của Liszt, ở Đặng Ngọc Long lại đậm đà tính chất hồi tưởng, hoài cảm, với những giai điệu trữ tình, miên man, tuôn chảy, có lẽ thuộc hàng những giai điệu đẹp nhất trong trong sáng tác của Đặng Ngọc Long từ trước tới nay. 

Chương 2, mang tên Gretchen, khắc hoạ mối tình của Faust, lại mang tính nhí nhảnh, gợi lên cảm giác của những vũ điệu, và đặc biệt ở phần cuối với những phát triển cao trào, tạo nên những ấn tượng bão táp, nổi loạn. Với tôi đây là một sự đảo ngược lại hết sức bất ngờ và thú vị, nếu so sánh với cách xử lý với hai nhân vật Faust và Gretchen trong lịch sử âm nhạc truyền thống.

Chương 3, chương dài nhất, mang tiêu đề Mephisto (Quỷ Mephisto) là chương mà tác giả theo tôi được biết đã dành nhiều thời gian và công phu nhất trong quá trình sáng tác. Ở đây, chúng ta sẽ được tiếp cận với nhiều thủ pháp hiện đại, các kỹ thuật „gõ“, „vuốt“, rồi các nghịch âm v.v. để khắc hoạ chân dung Quỷ. Tuy nhiêu, điều bất ngờ nhất với tôi ở đây là sự trở lại của chủ đề hoài cảm, chủ đề khát vọng của Faust từ chương 1 và chủ đề tình yêu của Gretchen từ chương 2 ở cái phần kết thúc của chương 3 này. Tiếp theo đó, ở gần kết thúc, dường như ta cảm thấy có những tiếng chuông đồng vọng, vang lên như một viễn cảnh giải thoát (Erlösung) với ý thơ “Thiên tĩnh nữ vĩnh hằng – Gọi ta lên cao mãi”[6] như trong phần kết lại vở bi kịch của Goethe. Nhưng Faust-Sonata không kết thúc với một khung cảnh dịu êm hay lộng lẫy mang tính giải thoát tôn giáo như ở giao hưởng của Franz Liszt[7] hay của Gustav Mahler[8], mà bằng một tiếng vuốt „sắc lẹm“ trên dây đàn, mà ở đây tôi hiểu một cách rất chủ quan như lời nhắn gọi vừa dữ dội, vừa hài hước, tinh quái của quỷ Mephisto, như cách chúng ta vẫn thường nói: „Hãy đợi đấy!“ 

Năm 2016 nhạc sỹ Đặng Ngọc Long công bố Suite Kiều (Tổ khúc Kiều)[9]. Tác phẩm này đã khẳng định vị trí của mình trong các chương trình thi âm nhạc Guitar quốc tế, từng vang lên chẳng hạn hạn tại Bảo tàng khảo cổ học Đức ở Chemnitz nhân đợt triển lãm „Báu vật khảo cổ học Việt Nam“ vào thời điểm mà quan hệ giữa hai nước đang gặp khó khăn trong năm 2018, được dự kiến biểu diễn tại Trụ sở UNESCO năm 2020 nhân sự kiện chính thức kỷ niệm 200 năm ngày mất của thi hào Nguyễn Du, nếu không có có đại dịch Covid-19 diễn ra.

Tôi xin chúc nhạc sỹ Đặng Ngọc Long sẽ dành được những thành công rực rỡ tương tự với Faust-Sonata, và tin rằng với ngôn ngữ âm nhạc không biên giới, tác phẩm này sẽ mang đến cho công chúng Việt Nam tinh hoa của nền văn học, văn hóa Đức, đồng thời giới thiệu với công chúng âm nhạc cổ điển Đức và châu Âu một cách diễn giải riêng, độc đáo, đậm đà tính chất Phương Đông về một tượng đài văn hóa của chính họ – về nền văn hóa Đức và châu Âu.

Berlin, ngày 22.1.2022
Trương Hồng Quang


[1] Về quá trình tiếp nhận tác phẩm „Faust“ của Goethe ở Việt Nam và „Truyện Kiều“ ở Đức xin xem: https://dasmaedchenkieu.wordpress.com/2020/11/26/faust-cua-goethe-o-viet-nam-va-truyen-kieu-cua-nguyen-du-o-duc-so-sanh-hai-qua-trinh-giao-luu-va-tiep-bien-van-hoa/

[2] Bản soạn cho dàn nhạc của Max Reger với ca sỹ Renee Fleming, Lucerne Festival Orchestra, Claudio Abbado chỉ huy (2010) https://youtu.be/vrgnGgOWJ2w và bản soạn cho piano của Franz Liszt, do Evgeny Kissin biểu diễn (1969) https://youtu.be/1Nyu6D8JDTA

[3] Bản dựng tại Salzburger Festspiele 2016 https://youtu.be/GXLzqIcMfVQ và đặc biệt bản dựng với phụ đề tiếng Việt tại Royal Opera House (London) năm 2011 https://nhaccodien.vn/vietsub-gounod-faust/

[4] Phần trình diễn của Chigago Symphony Orchestra, Sir Georg Solti chỉ huy (2011) https://youtu.be/3ZUQ7yZTFco

[5] Phần trình diễn của Lucerne Festival Orchestra, Riccardo Chailly chỉ huy (2016) https://youtu.be/qRKPABo9jfc

[6] Nguyên tác tiếng Đức: „Das Ewig-Weibliche – Zieht uns hinan“, lời dịch thơ tiếng Việt của dịch giả Quang Chiến (1941-2021); về công trình dịch “Faust” của Quang Chiến xin xem thêm: https://drtruong.wordpress.com/2021/12/08/und-was-verschwand-wird-mir-zu-wirklichkeiten-dich-gia-quang-chien-doc-tu-ban-dich-vo-bi-kich-faust-cua-j-w-goethe/  

[7] Hợp xướng kết thúc Giao hưởng „Faust“ của Franz Liszt, Boston Symphony Orchestra, Leonard Bernstein chỉ huy https://youtu.be/exuGJ618Ma4

[8] Hợp xướng kết thúc Giao hưởng số 8 của Gustav Mahler, City of Birmingham Symphony Orchestra, Sir Simon Rattle chỉ huy https://youtu.be/9WhNn6zxqVg

[9] Xem https://dasmaedchenkieu.wordpress.com/2020/11/28/kieu-suite-to-khuc-kieu-tac-pham-viet-cho-dan-guitar-co-dien-cua-giao-su-nhac-sy-dang-ngoc-long/