Trương Hồng Quang, Một lần đến Auschwitz

Foto

Tờ „Spiegel“ (Tấm gương) bản in trong số ra ngày mai (25.8.2014) sẽ đăng một loạt bài dưới tiêu đề „Hồ sơ Auschwitz“. Trong bài viết này tôi sẽ không nói gì về nội dung của những bài báo rất đáng đọc này, tôi chỉ muốn ghi lại một số hồi tưởng cá nhân về chuyến đi đến Auschwitz của mình cùng một nhóm bạn bè thân thiết trong hai ngày 19. và 20.1.2008. Trước hết phải nói rằng chính số tạp chí „Spiegel“ này đã gợi lại cho tôi về chuyến đi, nhưng tiếp theo đó – sau bữa cà phê sáng chủ nhật – tôi cũng phải tra cứu khá lâu trong lịch làm việc và kho tư liệu ảnh cá nhân mới tìm được thời điểm chính xác của cuộc hành trình và có dịp xem lại những tấm ảnh cũ tưởng chừng đã rơi hẳn vào quên lãng.

Lần đó, đoàn chúng tôi có 8 người đi cùng trên một chiếc xe buýt thuê từ Berlin, đích đầu tiên của chuyến hành trình không phải là Auschwitz, mà là Krakau (tên gọi tiếng Đức của Kraków, cố đô của Ba Lan). Lúc đã tối muộn và sau hơn nửa ngày rong ruổi ở Krakau, chúng tôi mới lên xe đi tiếp về Oświęcim, tức chính là Auschwitz theo cách gọi của người Đức, nằm cách cố đô Ba Lan khoảng 70 km về hướng Tây. Tôi hầu như không còn nhớ gì về quãng thời gian dừng chân ở Krakau, chỉ biết đấy là một ngày mưa lạnh, nhà cửa và đường phố thật ảm đạm. Ký ức của tôi chỉ còn lưu lại bữa ăn tối trong một nhà hàng kiến trúc kiểu cổ, bên tường dựng các giáo mác thời Trung cổ, bàn lớn bày biện cốc chén pha lê và thắp nến sáng trưng hai đầu, đúng kiểu một Candle Light Dinner sang trọng, tất nhiên không chỉ dành cho hai, mà cho cả tám người. Hình ảnh sinh động nhất là lúc tám bồi bàn áo cổ nơ cùng xuất hiện, mỗi người đứng sau một thực khách, và cùng một lúc, vô cùng nhịp nhàng, mở nắp đĩa thức ăn và đồng thanh nói một câu chúc hoan hỷ nào đó.

Trong đoàn lần đó có hai đôi tình nhân (bốn bạn ấy lúc đó vẫn đang còn sinh viên và son rỗi, bây giờ thì đều đã con cái đề huề, sống ở những phương trời rất xa và công danh đều thành đạt – về điều này thì từ ngày ấy tôi đã có một dự cảm chắc chắn.) Tôi là bậc trưởng lão – thuần tuý trên phương diện tuổi đời – của chuyến đi, và không chỉ trong chuyến đi này mà còn ở nhiều chuyến đi khác nữa của cùng nhóm bạn đó, tất nhiên thành phần cụ thể mỗi lần đều có những thay đổi nhỏ, khi thì đến Kassel dự triển lãm nghệ thuật đương đại Documenta, khi thì vào một dịp hè cùng lên bãi biển Ban-tích của Đức gần Rostock, khi thì bay sang tận Budapest, đi tàu về hồ Balaton…

Vâng, có lẽ vì ấn tượng chung ảm đạm của thành phố Krakau, hay cũng có thể vì dự cảm về mục tiêu chính của cuộc hành trình – trại tập trung Auschwitz – mà bữa ăn tối đó với chi tiết tám người bồi bàn Ba Lan thắt nơ đồng loạt nhấc nắp đĩa thức ăn đã trở thành một nghiệm trải thật độc đáo, và cho đến tận bây giờ vẫn chưa hết lung linh trong trí nhớ của bậc trưởng lão là tôi. Như đã nói, lúc đã tối muộn, chúng tôi mới lên xe để đi tiếp đến Auschwitz. Quãng đường chỉ khoảng 70 km, nhưng do đi trong đêm tối và chạy qua nhiều đoạn đường rừng nên phải sau khoảng hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến nơi, một nhà nghỉ của Nhà thờ Công giáo nằm ngay cạnh địa phận của Trại tập trung trước đây. Trên đường đến Auschwitz người lái xe là H., một sinh viên Tiến sỹ đang viết luận án trên lĩnh vực Vật lý lý thuyết. Lúc đó anh không còn ở Berlin nữa, nhưng bạn gái của H. thì vẫn đang còn là sinh viên ở Berlin nên anh vẫn thường quay lại đây và lần đó nhập vào chuyến đi Ba Lan cùng với chúng tôi luôn. Trên đường từ Krakau về Auschwitz, tôi ngồi ở ghế phụ lái phía trước và thỉnh thoảng chuyện trò cùng với H. Tôi không còn nhớ lúc đó đã nói những chuyện gì với H., chỉ biết là anh có một khả năng nhìn xa trong bóng tối cực giỏi, ít nhất là so với tôi, người mà đêm đến là gần như bị mù và cùng lắm cũng chỉ dám chạy xe trong đường nội đô hay đường cao tốc có đèn pha của các xe chạy trước để làm mốc định hướng.

Những lúc im lặng tôi cố dõi vào bóng tối đen kịt lướt qua cửa sổ xe, và càng đến gần đích, một cảm giác nặng nề càng choán dần tâm trí. Tất cả mọi người trong xe đều biết mình đang đến nơi cách đây khoảng nửa thế kỷ đã có hơn một triệu người bị sát hại. Nhưng nếu như lúc trước có ai đó (hình như là chính tôi) còn trích dẫn những câu thông thái đại loại như „người Đức sẽ không bao giờ tha thứ cho người Do Thái vì Auschwitz“ („Die Deutschen werden den Juden Auschwitz nie verzeihen“ – câu nói của Zvi Rex, một nhà phân tâm học Israel), thì về sau mọi người đều trở nên lặng lẽ, phần vì đã khá mệt sau quãng đường dài xuất phát từ sáng sớm ở Berlin, phần có lẽ vì cảm giác u ám dâng cao dần trong lòng mỗi người mà không ai chia sẻ với ai.

Tôi không còn nhớ lúc đó mình chỉ im lặng theo đuổi các ý nghĩ vẩn vơ trong đầu, hay đã nói chúng lên thành lời với H. ngồi bên cạnh. Nhưng tôi biết chắc chắn là lúc đó, khi cố dõi vào bóng tối đen kịt lướt qua cửa sổ xe, mình đã đưa ra các giả định, có thể là để chế ngự, hoặc cũng có thể là để đi đến tận cùng nỗi sợ hãi trong lòng: Liệu hơn một triệu người chết đó đã mãi mãi thuộc quá khứ, trở thành một dạng … di chỉ khảo cổ – chẳng hạn như hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người đã chết ở đấu trường La Mã Colosseum ở Roma mà tôi đã từng có dịp mấy lần đến thăm, và khi có mặt tại đó nếu có chăng thì cũng chỉ cảm nhận một thoáng rung động siêu hình bởi chạm vào „hơi thở lạnh của lịch sử“ như một câu nói nổi tiếng, mà không hề có cảm giác xót xa hay sợ hãi? Hay hơn một triệu người chết ở Auschwitz vẫn còn là những oan hồn? Những đau đớn, tai nạn, dày vò của họ liệu có còn tiếp tục hiện hữu, những vết thương của họ liệu có còn rỉ máu, vẫn chưa thể nào hoá thạch? Giả định mà tôi tự đưa ra cho mình, không được luận chứng bởi một cơ sở khoa học nào là: Chừng nào người đương thời hay thế hệ đương thời của những nạn nhân ấy còn sống – cho dù họ là người cùng cảnh ngộ, nhân chứng hay thủ phạm – chừng ấy oan hồn của các nạn nhân vẫn tồn tại trên cõi đời này, vẫn còn lẩn quất, gào thét, đi lại xung quanh ta. Theo đuổi những ý nghĩ này trong đêm hôm đó, khỏi phải nói là tôi đã không hề chế ngự được nỗi sợ hãi của mình, mà ngày càng đắm chìm sâu hơn vào nó, trong đêm ngày 19.01.2008, trên đường xe ô tô chạy về Oświęcim/Auschwitz.

Nhà nghỉ của Nhà thờ Công giáo nằm cạnh địa phận của Trại tập trung là một chốn dừng chân với phong cách kiến trúc sử dụng nhiều kết cấu gỗ và kính, khá thoáng đãng, thanh tịnh, gần gũi và thân thiện, dường như không hề liên quan gì đến di tích lịch sử có một không hai nằm cạnh nó. Sau khi làm thủ tục nhận phòng, tất cả chúng tôi ngồi quây quần trong một căn phòng lớn, uống rượu vang hay Vodka mang theo và trao đổi những đề tài „typisch BK“ („điển hình cho nhóm BK”). “BK” là chữ viết tắt của “Berliner Kreis“/“Nhóm Berlin“ mà chúng tôi tự đặt cho mình dạo đó trong một thoáng vĩ cuồng tự coi mình là kẻ kế tục tự nhiên của „Wiener Kreis“/“Nhóm thành Wien“ vào đầu thế kỷ trước! Cũng như những lần khác, trong đêm hôm đó „BK“ vẫn tranh luận về nền văn hoá thứ ba, về lý thuyết dây trong vật lý lý thuyết, về Wittgensein và Aristoteles, về tình yêu và Sex, tức là về tất cả những gì không boringbourgeois. Chắc chắn chúng tôi cũng đã nói về đề tài chính của chuyến đi, về Đức Quốc Xã và Auschwitz, nhưng đấy chỉ là một trong nhiều chủ đề khác nhau. Và đêm hôm đó, trong một căn phòng thanh tịnh và thân thiện trong ngôi nhà nghỉ của Nhà thờ Công giáo ngay cạnh khuôn viên của Trại tập trung, tôi đã có một giấc ngủ êm đềm, không hề bị ác mộng theo đuổi.

Tôi sẽ không kể tiếp ở đây những nghiệm trải cụ thể mà chúng tôi đã có trong gần suốt ngày hôm sau trên khuôn viên của Trại tập trung, kể cả ở Trại gốc Auschwitz I và ở trại Auschwitz-Birkenau nằm cách đấy 3 km là nơi đặt các hầm hơi ngạt giết người hàng loạt và các lò thiêu người hàng năm trời không bao giờ tắt lửa. Tất cả những nội dung này ai quan tâm cũng có thể đọc qua sách báo, xem phim, tra cứu trên mạng v.v. – chẳng hạn trên tờ „Spiegel“ số ra ngày mai mà tôi đã nói đến ở đầu bài.

Tôi chỉ muốn kể thêm một ấn tượng cá nhân trong ngày hôm đó, có thể không phải là cảm nhận khủng khiếp nhất, nhưng đã đọng lại rất lâu trong ký ức của mình. Từ Birkenau, địa danh của Auschwitz II, trong tiếng Đức cũng có nghĩa là „rừng bạch dương“. Xung quanh Auschwitz-Birkenau đúng là có rất nhiều cây bạch dương, đặc biệt ở phía sau trại, nơi gần các lò thiêu. Trong câu chuyện kể chúng tôi nghe được ở Auschwitz II ngày hôm đó có một chi tiết là tro từ lò thiêu người được đem đổ ngay xuống gốc cây bạch dương ở gần trại. Từ thời gian đó đến nay mới hơn nửa thế kỷ, mà bạch dương có thể sống lâu hơn 150 năm. Lúc chúng tôi có mặt ở Auschwitz là vào cuối tháng Giêng, lá cây còn chưa kịp mọc, nhưng màu trắng của những thân cây Bạch dương cao vút và mọc san sát ngay đằng sau dãy hàng rào thép gai và bốt canh thì không thể trộn lẫn vào đâu. Khi xuân về và bạch dương đã mọc đủ lá, tôi hình dung sẽ có tiếng xào xạc, rì rào vô tận của cả rừng cây mọc lên trên xương cốt của hơn triệu sinh linh này. Đập vào mắt chúng tôi lúc đó chỉ là một màu trắng đồng loạt trên các thân cây và các cành cây khô khẳng khiu. Và tôi cũng nhận ra đêm hôm trước, khi đi vào địa phận Auschwitz, chúng tôi đã đi qua những khu rừng bạch dương như vậy, nhưng do trời tối nên không còn nhận ra màu trắng của thân cây, Birkenau lúc đó chỉ là những bóng tối đen kịt lướt qua cửa sổ xe…

Khi chúng tôi rời Auschwitz quay trở về Berlin trời chưa tối hẳn như lúc đến đây vào đêm hôm trước. Chẳng mấy chốc xe của chúng tôi đã ra đến đường cao tốc. Trên xe tôi lại có dịp ngồi cạnh H. và nói chuyện khá nhiều với anh, hình như lúc đó chúng tôi ngồi ở ghế sau vì đã có một người bạn khác lái xe. Chủ đề câu chuyện không liên quan gì đến nội dung chuyến đi này nữa, mà về công việc nghiên cứu của H. tại một Viện nghiên cứu vật lý hàng đầu của Đức. Đã từ lâu không còn trong giới hàn lâm và về tuổi tác cách H. hẳn một thế hệ, tôi vẫn rất hứng thú hỏi và nghe H. nói về lĩnh vực nghiên cứu của anh, cho dù dây là một đề tài cực kỳ xa vời đối với tôi, lý thuyết dây (String theory) trong vật lý lý thuyết. Từ lúc vào địa phận Đức, đường cao tốc Autobahn rộng rãi và phẳng phiu hẳn, với những hệ thống bảng chỉ đường lớn màu xanh quen thuộc phản quang rực rỡ trong các ánh đèn pha đủ kiểu. Với những người sống lâu ở Đức và mỗi khi từ nước ngoài quay trở lại đây, Autobahn là một trong những chỉ dấu quan trọng nhất cho biết mình đã đến Đức, đã về lại nhà. Vâng, bên cạnh H. và những người bạn „BK“ khác trong xe lúc đó tôi đã có cảm giác thật an tâm rằng mình đã về lại nhà. Một cảm giác thật ra là phi lý, hoang tưởng – nếu như tôi quay ngược đồng hồ lại một ngày trước đó, lúc chúng tôi đang dự một bữa tiệc Candle Light Dinner vui tươi ở cố đô Ba Lan Kraków, hay nếu chỉ cần quay ngược lại mấy tiếng đồng hồ trước đó, khi chúng tôi đang đứng cạnh rừng cây bạch dương Birkenau sát hàng rào dây thép gai và các bốt canh sắp đến mùa mọc lá.

Tôi không thể kết thúc câu chuyện này mà không nhắc lại một lần cuối về Auschwitz. Trên tấm ảnh ở cuối bài, trên đường ray ở Auschwitz II, nơi tập kết các tù nhân từ khắp nơi trên châu Âu và là nơi mà từ đó họ sẽ bị dẫn trực tiếp vào các hầm hơi ngạt, nếu nhìn kỹ các bạn sẽ thấy bên cạnh một bó hoa là những nén hương đang cháy. Vâng, những nén hương đó là của đoàn chúng tôi. Việc mang theo những nén hương này thật ra không phải là một ý tưởng đã có ngay từ đầu của nhóm „BK“, mà xuất phát từ gợi ý của một người nữ đồng nghiệp của tôi, cũng là người Việt ở Berlin. Chị không tham gia chuyến đi, trong đời chị chưa bao giờ đến Auschwitz và chắc cũng sẽ không bao giờ có ý định đến đó. Nhưng khi vô tình nghe tôi kể về kế hoạch chuyến đi, chị nói ngay rằng đây không phải là một chuyến du lịch bình thường và chị đã khuyên chúng tôi nên mang theo một thẻ hương.

Hai người đàn ông châu Á đứng ở góc phải ảnh là một người bạn trong đoàn và tôi, các bạn còn lại đều đứng ở ngay bên cạnh mặc dù không ở trong khung hình. Đó là vào một giờ buổi chiều, ngày 20.01.2008, tại Trại tập trung Auschwitz-Birkenau.

100_0492

Viết tại Berlin-Biesdorf, ngày 24.-25.08.2014

7 thoughts on “Trương Hồng Quang, Một lần đến Auschwitz

  1. Pingback: 20140826. | Ngothebinh's Blog

  2. -“Người Đức sẽ không thể nào tha thứ cho người Do Thái vì Auschwitz“ („Die Deutschen werden den Juden Auschwitz nie verzeihen“ – Không biết tác giả có nhầm lẫn hay không, so với lịch sử về tội ác Đức Quốc xã thì người Do Thái không thể tha thứ cho người Đức vì Auschwitz mới hợp lý.

    – Bên cạnh một bó hoa là một nén hương đang cháy” – nhưng trong ảnh là một bó hương, gồm nhiều nén hương đang cháy.

    Ngoài hai chi tiết phân vân một chút đó thì bài viết rất hay, cảm ơn anh Trương Hồng Quang.

  3. Cám ơn Toro VN, đúng là tôi đã bị nhầm lẫn giữa hai chữ “nén” và “bó” và đã chữa lại theo chỉ dẫn hoàn toàn hợp lý của anh!

    Câu trích của Zvi Rex không bị nhầm anh ạ. Đấy cũng là một trong những câu nói nổi tiếng nhất về Holocaust/Shoa và thái độ của người Đức đối với di sản lịch sử này, trong bản tiếng Anh là “The Germans will never forgive the Jews for Auschwitz”. Đây là một câu chuyện phức tạp, trong bài viết tôi chỉ thử tiếp cận đề tài từ một góc nhìn rất cá nhân. Nhưng nếu đọc lại thật kỹ câu của Zvi Rex – một nhà phân tâm học Israel như tôi đã chú ở trong bài, chứ không phải một tác giả Đức thiên hữu nào đó – tôi tin chắc anh sẽ hiểu được ẩn ý của tác giả.

    TB. Câu dịch ở bản cũ của tôi mà anh đã trích dẫn (“Người Đức sẽ không thể nào tha thứ cho người Do Thái vì Auschwitz“) có một chữ thiếu chính xác (“không thể nào”), đúng ra phải là “không bao giờ”, tôi cũng đã chữa lại câu này trong bản thảo. Một lần nữa xin chân thành cám ơn phản hồi của anh!

  4. Pingback: Đối Thoại Điểm Tin ngày 26 tháng 8 năm 2014 | doithoaionline

  5. Pingback: Trương Hồng Quang, Nghĩa và chữ | Blog Trương Hồng Quang

  6. Pingback: Đối Thoại Điểm Tin ngày 30 tháng 8 năm 2013 | doithoaionline

  7. Pingback: ***TIN NGÀY 1/9/2014 -Thứ Hai. « PHẠM TÂY SƠN

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s