Làng thì ở đâu cũng là làng

Sáng hôm nay tôi mang xe ô tô đi chữa ở một xưởng cách nhà tôi chỉ mấy nóc nhà. Vào giờ chiều khi đến nhận xe ở xưởng thì ông chủ cho biết xe đã chữa được đỗ ở đâu đấy ngoài đường. Lúc tôi đang loay hoay đi tìm xe thì có một bà cụ, theo phỏng đoán của tôi chừng 70 tuổi hoặc trẻ hơn, dừng lại và rất thân thiện hỏi liệu bà có thể giúp đỡ được gì. Sau một hai phút trò chuyện sôi nổi và hai bên đã tường tận về việc xe tôi vừa được chữa, nhà của tôi ở phía cuối làng v.v. thì tôi chợt nhận ra xe của mình đã được nhân viên của xưởng mang đến đỗ ngay trước cổng nhà. Bà cụ khen cách làm việc của xưởng này, bà cho biết bà cũng là khách hàng lâu năm ở đó và biết ông chủ xưởng từ lúc người đó còn là một chàng trai trẻ.

Từ chuyện nọ lan man sang chuyện kia, hoá ra bà cụ cũng biết rất rõ về gia cảnh của ông chủ cũ ngôi nhà của tôi, đặc biệt là câu chuyện tình ái khá ngang trái của ông (tiếc là không thể kể lại kỹ hơn ở đây, chỉ có thể bật mí là cái kết cục của nó cũng chính là nguyên nhân để ông bán nhà gần tám năm về trước). Bà cũng cho biết bà mẹ vợ cũ của ông chủ cũ (cụ ấy năm nay chắc đã gần 100 tuổi) hiện vẫn còn sống, chỉ có con chó của bà ấy là đã chết…

Về làng đã hơn bảy năm nhưng thực tình tôi chỉ quen rất ít người trong làng, ngoại trừ hai gia đình láng giềng trực tiếp, nên những câu chuyện như vậy tất nhiên là vô cùng hấp dẫn. Bà cụ cho biết bà cũng là hàng xóm trong làng, cách nhà tôi khoảng 5-6 nóc nhà gì đó, trên sân có đỗ một con xe Trabant – một hobby của chồng bà. Bà cũng đã nhiều lần thấy phu nhân của họ Trương làm việc như con ong chăm chỉ ở ngoài vườn, và chắc bà cũng đã đọc tên của gia chủ trên biển tên trước cổng nhà, vì sau đó bà xin phép hỏi ông “Doktor” bảo vệ luận án trên lĩnh vực nào. Khi biết tôi học Ngữ văn ở Đại học Leipzig và bà hỏi tên ông thầy của tôi và tôi nói chắc chắn bà không thể biết đến GS. Claus Träger thì bà mỉm cười và cho biết, tất nhiên là bà biết GS. Träger!

Lúc trao đổi những câu chuyện này thì chúng tôi đã đi đến bên cạnh xe ô tô và trước cổng nhà của tôi, lẽ ra cuộc gặp tình cờ đã đến lúc phải dừng lại. Nhưng tất nhiên là tôi vẫn hỏi tiếp và được bà cho biết bà cũng là cựu sinh viên tại Đại học Leipzig, lúc đó còn là Karl-Marx-Universität (KMU). Và lúc bà kể về thời gian khoá học của bà thì tôi phải hỏi lại đến hai lần vì không thể tin vào tai của mình: bà bắt đầu nhập học ở KMU năm 1962, lúc vừa tròn 18 tuổi! Có nghĩa là bà cụ năm nay đã 77-78 tuổi (khi quan sát bà lúc đầu tôi nghĩ bà chỉ mới cuối 60, đầu 70).

Ngoài GS. Träger bà còn nhắc đến GS. Walter Markov, nhà sử học hàng đầu của CHDC Đức, cũng vốn là GS. ở KMU và là thầy dạy trực tiếp của bà. Bà không học cùng ngành ngữ văn như tôi (hay vật lý như một một cựu sinh viên nổi tiếng của KMU – chi tiết này là tôi thêm bây giờ!), mà học ngành Afrikawissenschaften (Châu Phi học), và bà từng là một nhà ngoại giao của CHDC Đức, chủ yếu làm việc ở các nước Phi châu.

Có một chi tiết thú vị nữa là khi tôi nhắc đến việc tôi từng có dịp gặp H. Markov, con trai của GS. W. Markov, lúc ông còn là Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ hiến Bang Brandenburg, thì bà cho hay bà cũng biết H.M., cả về nguyên nhân thực sự liên quan đến việc rút lui khỏi chính trường của ông ấy về sau này.

Lúc chia tay, bà còn cho tôi biết thêm ở ngõ phố bên cạnh có một vị GS. văn chương rất nổi tiếng, tất nhiên ông cũng đã nghỉ hưu nhưng vẫn rất minh mẫn, rồi bà hứa vào một ngày không xa sẽ tổ chức một cuộc hội ngộ của giới văn nhân ở làng!

Và câu chuyện kể của tôi (nhớ đến đâu viết vội đến đấy để không quên) đến đây là hết 🙂

Bình luận về bài viết này