“Các vị có thấy ở đây một người đàn ông đang tỏ ra chua chát? Không.” 

Tạp chí SPIEGEL, số ra tuần này (Nr. 28, 6.7.2019), có một bài phỏng vấn dài với Egon Krenz (82 tuổi), nguyên Tổng bí thư của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED) và Chủ tịch cuối cùng của Hội đồng nhà nước CHDC Đức với nhan đề ở trên, như là một trích dẫn của nhân vật. Ký giả thực hiện bài phỏng vấn cho biết Krenz có một trí nhớ rất tốt và khả năng trình bày chuẩn xác. Nội dung cuộc nói chuyện xoay quanh thời kỳ sụp đổ bức tường Berlin, tức cũng là sự sụp đổ của CHDC Đức, lúc Krenz đang giữ các chức vụ tối cao trong hệ thống chính trị của nhà nước này. Trong bài phỏng vấn Krenz nhận định Gorbatschow là một “kẻ phản bội” (Krenz cho hay người tiền nhiệm của ông, Erich Honecker, từ 1987 đã có được thông tin rằng Moscow sẵn sàng bỏ rơi CHDC Đức), đồng thời lại bày tỏ sự đồng tình với quyết định mở cửa biên giới cho người tị nạn vào năm 2015 của Thủ tướng Angela Merkel, như là một hành động nhân đạo.

Bản thân Krenz cũng đã có một quyết định lịch sử vào ngày 09 tháng Mười một 1989 – chấp nhận việc bức tường Berlin bị sụp đổ, không sử dụng bộ máy quân đội, an ninh quốc gia để chống lại nhân dân. Krenz thuật lại những giây phút đầy kịch tính vào buổi tối hôm đó: Ban chấp hành TW Đảng SED họp đến 20:45 h, chỉ ít phút sau đó Erich Mielke, Bộ trưởng An ninh Quốc gia, gọi điện cho Krenz, thông báo về làn sóng người đang tràn đến bức tường. Trách nhiệm bảo vệ biên giới thuộc về Bộ trưởng Quốc phòng Heinz Keßler, nhưng ông này đang trên đường từ hội nghị BCHTW trở về Trụ sở Bộ ở Straußberg và không thể liên lạc được. Mielke yêu cầu phải đưa ra quyết định ngay tức thì, bởi nếu không sẽ mất khả năng kiểm soát tình hình. Và khi Krenz hỏi Mielke đưa ra đề nghị nào thì ông này chỉ nói: “Anh là Tổng bí thư.” Krenz hiểu là Mielke sẽ chấp nhận bất cứ quyết định nào của mình, và Krenz đã đưa ra quyết định không áp dụng bạo lực. Và Mielke, Bộ trưởng Anh ninh Quốc gia lâu năm nhất và khét tiếng nhất của CHDC Đức, theo lời kể của Krenz, lúc đó đã nói với ông “Hast recht” (“Anh có lý”).

Câu chuyện còn rất dài, và nhiều dữ kiện do Krenz đưa ra đương nhiên còn phải được kiểm chứng. Trước khi viết những dòng này, tôi còn đọc thêm một vài bài viết về Krenz và biết thêm một thông tin khá bất ngờ: Chữ “Wende in der DDR” (“Thời kỳ bước ngoặt ở CHDC Đức”) không phải như nhiều người nhầm tưởng là một khái niệm do phong trào phản kháng của người dân CHDC Đức đưa ra, mà Egon Krenz chính là người đầu tiên đã dùng trong bài diễn văn nhận chức TBT thay cho Erich Honecker.  Và không phải ai khác mà chính là Frank Schirrmacher, Chủ bút lừng danh của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ, một nhật báo Đức hàng đầu với xu hướng bảo thủ) ngay từ năm 2009 đã nhận xét phải có một đánh giá công bằng về vai trò của Krenz trong sự kết thúc bất bạo động của CHDC Đức… Sự đánh giá đó đương nhiên đã không giúp Egon Krenz tránh được số phận của một bị cáo trong “Phiên toà xét xử Bộ chính trị” tại Toà án Bang Berlin và về sau bị kết án 6 năm 6 tháng tù giam. 

Và sở dĩ tôi đã đọc kỹ bài phỏng vấn của SPIEGEL này và lược thuật một số nội dung từ đó – bên cạnh ý nghĩa lịch sử, chính trị của chủ đề (sang năm, 2019, sẽ là kỷ niệm 30 năm ngày sụp đổ của Bức tường Berlin) –  cũng là vì có chút nguyên cớ cá nhân: Tôi đã có hai dịp gặp gỡ cá nhân với Egon Krenz, lần đầu vào đầu thập niên 80, lúc Krenz còn là Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Tự do Đức (FDJ) và lần thứ hai vào đầu thập niên 90, lúc ông là tù nhân ở Trại giam điều tra Berlin-Moabit. Hai lần gặp gỡ này, nếu kể lại thật chi tiết, có thể sẽ nói lên được ít nhiều điều về tính vô định của lịch sử, về số phận của con người trong dòng chảy đó, bất kể vị trí cao-thấp, sang-hèn nào mà họ đã từng có. 

Tôi lại còn có một thầy giáo dạy tiếng Đức và một đồng nghiệp phiên dịch vong niên cũng đã từng có dịp tiếp xúc với Krenz, tuy nhiên trong một quãng thời gian dài và với cấp độ sâu sắc hơn rất nhiều so với hai lần gặp ngắn ngủi của tôi. Biết đâu, nếu đọc những dòng viết này, thầy sẽ sẵn sàng chia sẻ với quý bạn đọc quan tâm, như thầy đã từng chia sẻ cho tôi, những trải nghiệm vô cùng độc đáo và không kém phần kịch tính về nhà chính khách Egonz Krenz và xung quanh chuyến đi của ông trong một lần đến thăm chính thức Việt Nam, tất nhiên lúc đó CHDC Đức vẫn đang tồn tại.             

https://www.spiegel.de/plus/egon-krenz-ueber-den-mauerfall-sehen-sie-hier-einen-verbitterten-mann-nein-a-00000000-0002-0001-0000-000164759130 

2 thoughts on ““Các vị có thấy ở đây một người đàn ông đang tỏ ra chua chát? Không.” 

  1. Pingback: Lê Đức Dương: Những kỉ niệm với ông Egon Krenz | Blog Trương Hồng Quang

  2. Pingback: Lại một câu chuyện dọc đường  (hay ghi chú nhân kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ) | Blog Trương Hồng Quang

Bình luận về bài viết này